Dat Hoang's Blog

Trải nghiệm dù lượn đồi Bù

Đợt gần Tết âm lịch 2022, tôi có đi nhảy dù tại đồi Bù. Đây là ý định tôi đã có từ lâu, một phần vì tò mò, một phần vì muốn thử cảm giác mạnh.

Tôi đặt vé trên Traveloka, gọi là vé cho lịch sự chứ Traveloka chỉ hợp tác với các huấn luyện viên nhảy dù để bắt khách. Trước hôm hẹn, huấn luyện viên có gọi cho tôi nói là sương mù ngày mai được dự báo rất dày, nên nếu tới đó mà không nhảy được thì phải quay về. Việc nhảy dù được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, có bạn đi nhảy tận ba lần nhưng cả ba lần đều phải về do sương mù dày quá.

Hôm sau, tôi tới BigC Trần Duy Hưng để gặp huấn luyện viên như lịch hẹn. Khoảng 12h30, anh chở tôi tới đồi Bù. Đi khoảng một tiếng là tới nơi. Gọi là đồi nhưng ngọn cao nhất của nó cũng cao tới 833 mét nằm ở Hòa Bình, điểm tôi nhảy là ngọn khác cao chừng 650 mét ở ven Hà Nội.

Đường đi lên đỉnh đồi khá quanh co và dốc, đường lại trơn nên cần thuê người địa phương chở lên bằng xe leo núi. Khi tới nơi, sương rất dày nhưng may mắn vẫn có thể nhảy được, vì chỉ cần nhìn được lờ mờ điểm đáp là vẫn có thể đủ điều kiện.

Sau khi thắt các dây đai an toàn, trao đổi một chút về kỹ thuật thì chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi chạy nhanh về phía trước, đón gió và lao ra khỏi dốc. Khi vừa ra khỏi dốc và bị nhấc bổng lên, cảm giác cơ thể hơi hụt trong mấy giây đầu, sau đó lấy lại được sự bình tĩnh và tận hưởng cảm giác lơ lửng trong không khí.

Dù lượn khác với dù nhảy ở chỗ: dù nhảy là nhảy từ trên cao xuống, sau đó bung dù để từ từ tiếp đất, còn dù lượn là mở dù từ mặt đất, đón gió để bay lên cao như thả diều. Dù nhảy có độ nguy hiểm cao hơn rất nhiều, thời gian nhảy dù có thể chỉ vài chục giây, còn người chơi dù lượn có thể bay tới nhiều tiếng đồng hồ.

Bay dù lượn không phải chỉ đơn giản là để dù tự nhiên cho gió nâng lên, người điều khiển sẽ giật hai dây điều khiển, điều chỉnh hướng dù để đón gió. Người điểu khiển cần phán đoán được nơi nào có cột gió để đưa dù vào đó. Dù lượn cũng có thể bay trong đám mây do khi đó nó cũng có lực nâng cánh lên. Trong các giải đấu chuyên nghiệp, vận động viên có thể bay xa tới hàng trăm kilomét bằng cách di chuyển giữa các cột gió và đám mây.

Dù lượn là môn thể thao khó. Để được cấp chứng chỉ bay, người tập phải có hàng trăm giờ bay. Như đã nói ở trên, việc bay được hay không còn phụ thuộc thời tiết, vì vậy tốn rất nhiều thời gian để tập. Những kẻ như tôi chỉ thích được trải nghiệm thì sẽ cần có huấn luyện viên ngồi sau để điều khiển. Anh đã chơi dù được 7 năm và rất khó để tìm được người khác chơi giỏi như anh.

Từ trên cao tôi có thể thấy toàn cảnh khu vực núi đồi với cây cối bạt ngàn, đồng ruộng, đàn bò hiện lên rất đẹp. Khu vực này còn hoang sơ, có rất ít người và chưa bị khai thác nhiều cho du lịch nên quang cảnh thực sự rất tự nhiên và hùng vĩ.

Khi đã bay được một lúc, huấn luyện viên sẽ thực hiện một số pha xoay dù 360 độ. Mục đích là để tăng sự phấn khích. Tôi rất ít khi say tàu xe hay say sóng nhưng thực sự lúc đó tôi cảm thấy rất chóng mặt. Chúng tôi đáp xuống chân đồi một cách nhẹ nhàng.

Tôi trở về trung tâm Hà Nội lúc khoảng 4 giờ chiều. Cảm giác phấn khích vẫn còn cho tới hôm sau.

Chuyến đi này là tôi muốn trải nghiệm cho biết, chứ nó không phải là đam mê nên tôi chắc cũng không có ý định đi nhảy lần nữa, mà sẽ dành thời gian tới để thử trải nghiệm một số thứ khác. Nhưng nếu bạn cũng muốn thử đi nhảy dù lượn, thì nên thử vì quả thực nó rất thú vị.