Dat Hoang's Blog

Khác biệt để bứt phá

Lần thứ hai đọc cuốn sách Khác biệt để bứt phá của Jason Fried, tôi muốn tóm tắt lại nội dung chính cuốn sách để có thể đọc lại nhanh sau này. Đây là cuốn sách tôi rất thích và có nhiều ý phù hợp với suy nghĩ của tôi.

Jason Fried là nhà sáng lập và CEO của Basecamp, một công ty bán phần mềm quản trị doanh nghiệp. Mặc dù chỉ có khoảng 60 nhân viên, Basecamp được định giá lên tới 100 tỉ USD. Cuốn sách là những chia sẻ của Jason về tư duy khác biệt giúp công ty ông đạt được thành công như ngày hôm nay.

Mặc dù cuốn sách được chia thành 11 chương, nhưng tôi muốn tóm tắt theo ý của mình, bao gồm 20 ý nhỏ dưới đây.

1. Ý tưởng là miễn phí, quan trọng là thực thi

Đã bao lần tôi nghe có người nói “Giá ngày xưa tôi cũng thành lập mạng xã hội như Facebook thì chắc giờ đã thành tỉ phú”, hoặc “Tôi ước mình đã thực hiện ý tưởng này cách đây 5 năm”. Nhưng thưa bạn, giữa ý tưởng và thành công có một khoảng cách rất xa, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, đôi khi cả may mắn.

Khả năng cao là những ý tưởng hay ho mà bạn nghĩ trong đầu cũng có hàng nghìn người khác có cùng suy nghĩ. Quan trọng là bạn có thực sự bắt tay vào hành động để hiện thực hóa nó hay không. Đừng ngại ngần chia sẻ ý tưởng của mình với người khác, vì trong phần lớn trường hợp, ý tưởng là miễn phí.

Bạn cũng không cần bắt tay vào làm ngay khi vừa nghĩ ra ý tưởng gì. Hãy ghi chú lại trên giấy các ý tưởng bất ngờ, có thể vài ngày sau bạn sẽ nhận ra chúng không quá vĩ đại như bạn đã nghĩ. Hãy chọn lấy những ý tưởng tốt và bắt tay vào hành động.

2. Hãy học hỏi từ thành công, đừng học hỏi từ thất bại

Người ta thường nói “Thất bại là mẹ thành công”. Nhưng thực tế cho thấy những người thành công thường có tỉ lệ thành công cao hơn ở các dự án tiếp theo. Trong khi những người thất bại thì cơ hội thành công ở các dự án tiếp theo là ngang bằng với người mới khởi nghiệp.

Tại sao lại như vậy? Bởi khi thành công một lần, bạn sẽ có kinh nghiệm, mối quan hệ, tiền bạc để hiện thực hóa các ý tưởng mới. Còn nếu thất bại, rất có thể bạn sẽ phải gánh nợ nần, hơn nữa tinh thần của bạn cũng đã bị suy giảm đi rất nhiều.

3. Hãy là nhà kinh doanh, đừng làm ông chủ

Nhà kinh doanh là những người tạo ra một doanh nghiệp có thể sinh lời. Doanh nghiệp không nhất thiết phải là trong một tòa văn phòng sang trọng, có lễ tân, phòng khách. Google khởi nghiệp trong gara xe hơi nhà chị dâu của đồng sáng lập Sergey Brin, Basecamp cũng khởi đầu bằng việc chia sẻ văn phòng với công ty khác.

Do đó, đừng cố tỏ ra hào nhoáng, hay cố dùng ngôn ngữ trang trọng như thể công ty của bạn là một tập đoàn vĩ mô. Nếu doanh nghiệp của bạn có thể sinh dù chỉ một chút lời, hãy lấy điều đó làm tự hào.

4. Giữ bộ máy tinh gọn

Người ngoài thường đánh giá quy mô của một công ty dựa theo số lượng nhân viên, ví dụ công ty nhỏ có dưới 200 người, công ty vừa có từ 200-300 người. Nhưng quy mô nhân viên và quy mô kinh doanh không phải là tỉ lệ thuận với nhau. Bằng chứng là Basecamp, dù chỉ có khoảng 60 người nhưng có định giá lên tới 100 tỉ USD.

Có một điều lạ là nhiều doanh nghiệp nhỏ ước gì mình sẽ có nhiều nhân viên hơn, trong khi các doanh nghiệp lớn lại ước gì bộ máy của mình tinh gọn lại. Thực tế cho thấy, bộ máy tinh gọn với đội ngũ chất lượng hoạt động linh hoạt và trơn tru hơn nhiều bộ máy cồng kềnh.

Trong một doanh nghiệp đông nhân viên, luôn có những người làm việc ít hơn những người khác. Những người này thường hay dùng ngôn từ sáo rỗng và khoa trương, luôn yêu thích các cuộc họp vì đó là nơi họ có thể phô diễn tầm quan trọng của mình. Việc giữ bộ máy tinh gọn sẽ giúp loại bớt những vị trí như vậy, vừa tránh lãng phí, vừa giúp các thành viên làm việc ăn ý hơn.

5. Thuê người dựa trên năng lực, không phải hồ sơ

Đừng đánh giá nhân viên dựa theo hồ sơ xin việc. Hồ sơ xin việc là thứ rất dễ dàng để tạo ra, và rất không đáng tin. Hãy quan sát họ trong quá trình thử việc. Vì lúc này họ sẽ không thể che giấu những điểm yếu của bản thân.

Cũng đừng cố gắng chiêu mộ các nhân tài. Người phù hợp sẽ là người có thể đóng góp cho mục tiêu chung, phù hợp văn hóa công ty, cũng như thể hiện được sự cầu tiến, ham học hỏi.

6. Ưu tiên người có khả năng viết lách

Nếu giữa hai người có trình độ tương đồng, hãy tuyển người có khả năng viết lách. Cho dù đó là vị trí marketing, kế toán, hoặc lập trình viên, khả năng viết lách luôn cần thiết để giao tiếp trong nhóm được dễ dàng.

7. Tận dụng sự hạn chế về nguồn lực

Có những câu chuyện về tù nhân có thể chế tạo được công cụ vượt ngục chỉ bằng thanh kim loại hoặc chiếc thìa. Ở đây tôi không có ý nói tới việc phạm tội, nhưng con người luôn biết cách vượt qua khó khăn trong điều kiện thiếu thốn. Vì vậy, đừng quá lo lắng khi doanh nghiệp bị hạn chế về nhân lực hay tiền bạc, hãy tận dụng những nguồn lực ít ỏi đang có.

8. Huy động vốn bên ngoài là phương án cuối cùng

Các công ty khởi nghiệp thường thích ý tưởng huy động vốn từ bên ngoài. Ý tưởng tiêu tiền của người khác nghe có vẻ hấp dẫn nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công ty. Bạn sẽ phải giải trình trước những nhà đầu tư, và để họ có những quyết định với doanh nghiệp của mình.

Hãy suy nghĩ xem, bạn có thực sự cần 100.000 USD không, hay chỉ cần 10.000 USD là đủ, bạn có khoản tiết kiệm, hay vay mượn được không. Hãy chỉ nghĩ tới việc gọi vốn đầu tư như phương án cuối cùng.

9. Họp hành là thứ vô bổ

Họp hành là một trong những hoạt động tốn thời gian vô ích nhất trong công ty. Một cuộc họp gồm 10 người nếu kéo dài trong 1 tiếng thì sẽ tốn mất 10 giờ làm việc của công ty. Trong khi các cuộc họp thường lan man và không thực sự mang lại nhiều giá trị.

Vì thế, nếu cần họp hành, hãy chỉ mời những người liên quan, tập trung vào các nội dung trọng tâm cần thảo luận và đảm bảo mỗi người đều biết được mình cần làm gì tiếp theo sau cuộc họp.

10. Đừng đặt ra kế hoạch dài hạn, hãy tập trung vào hiện tại

Đừng đặt ra kế hoạch chi tiết cho năm tới, vì hoàn cảnh có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Ta có thể dự định dành 1 giờ đọc sách cho tối nay nhưng có việc đột xuất nên thành ra chỉ còn 30 phút. Ngay cả việc đơn giản như thế ta còn không thể chắc chắn thì sao có thể chắc chắn về điều sẽ xảy ra trong một vài năm?

Thay vì đó, hãy tập trung cho các kế hoạch hiện tại. Kế hoạch dài hạn, nếu có, chỉ nên là các gạch đầu dòng lớn.

11. Tập trung vào giá trị cốt lõi

Mỗi sản phẩm đều có một giá trị cốt lõi, những thứ khác chỉ là phụ phẩm. Bánh mì có nhân thịt hay để không thì vẫn được gọi là bánh mì. Vì thế, hãy tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm và làm cho nó tốt nhất có thể.

Một sản phẩm phần mềm khi đã hoàn thành các chức năng cốt lõi có thể đem ra thị trường được. Các chức năng khác có thể bổ sung sau.

12. Không chạy theo đối thủ, hãy có bản sắc riêng

Đừng sao chép đối thủ, nếu không sản phẩm của bạn sẽ là của đối thủ nhưng dưới vỏ bọc khác. Hãy tạo ra những giá trị mà chỉ công ty của bạn có, và khách hàng phù hợp sẽ lựa chọn bạn.

13. Tạo ra sản phẩm mang về nhà vẫn dùng tốt

Đừng tạo ra sản phẩm hút mắt khách hàng chỉ khi nó còn trên kệ, hãy làm sản phẩm để khi khách hàng mang về nhà họ vẫn thích nó sau nhiều ngày.

Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên niềm tin. Một khách hàng tin tưởng không những có thể sẽ mua lại sản phẩm của bạn, mà còn có thể giới thiệu nó cho người khác.

14. Hãy thành thực với khách hàng

Nếu sản phẩm của bạn có vấn đề, hãy thành thực với khách hàng. Bạn sẽ không thể giấu khách hàng điều gì. Bằng việc thành thực từ đầu, chúng ta cho họ thấy chúng ta nghiêm túc với một mối quan hệ làm ăn lâu dài.

15. Tập nói không

Không phải mọi ý kiến đóng góp của khách hàng chúng ta đều cần phải nghe theo. Nếu khách hàng yêu cầu một tính năng mà không phù hợp với định hướng phát triển của công ty, hãy từ chối họ. Hãy thà để mất một khách hàng cũ còn hơn việc khiến sản phẩm không còn hấp dẫn khách hàng mới.

Nhiều khách hàng của Basecamp tỏ ra không hài lòng khi sản phẩm của công ty ít chức năng hơn các đối thủ, họ muốn có thêm tính năng. Nhưng công ty thường từ chối, vì họ muốn giữ mọi thứ thật đơn giản để dễ dàng cho người mới làm quen.

16. Trả lời khách hàng nhanh chóng là thứ tốt nhất bạn có thể làm

Khi một khách hàng yêu cầu sự giúp đỡ, họ đang gặp rắc rối với việc sử dụng sản phẩm của bạn. Điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là trả lời họ sớm nhất có thể. Việc trả lời nhanh có thể giúp biến một khách hàng đang tức giận thành vui vẻ, và cũng là cách tốt nhất để bạn tự marketing cho doanh nghiệp của mình.

17. Nếu khách hàng phản đối sự thay đổi, hãy bình tâm và tin tưởng

Đôi khi, một thay đổi trong sản phẩm có thể khiến khách hàng không hài lòng. Con người có xu hướng hành động theo thói quen, và ngại thay đổi. Nếu bạn tin tưởng vào quyết định của mình, hãy chấp nhận sự la ó và đừng cố làm gì cả. Chỉ sau một hai tuần, khách hàng cũng sẽ chấp nhận và bắt đầu thấy những điểm tích cực trong sự thay đổi đó.

18. Văn hóa không được tạo ra, nó tự hình thành

Đừng đặt ra các chính sách hay nội quy khi mới thành lập doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tự được hình thành qua quá trình giao tiếp và làm việc cùng nhau trong nhóm. Việc đặt ra các chính sách cứng nhắc sẽ vô tình làm mất đi sự cởi mở trong công việc.

19. Hãy để mọi người có cơ hội thể hiện

Mỗi người đều có những thế mạnh riêng, và có thể phát huy nếu được trao cơ hội. Đứng trước mỗi vấn đề, hãy tham khảo những người phù hợp, và cho họ cơ hội thử giải quyết. Bằng cách đó, bạn nhận ra những người này tài năng hơn bạn nghĩ.

20. Để mọi người có không gian riêng tư

Việc dò xét nhân viên làm gì là một trong những cách nhanh nhất tạo ra môi trường làm việc độc hại. Bạn không thể lấy đi trọn 8 tiếng làm việc một ngày của mỗi người được, buổi chiều căng thẳng họ có vào Youtube hay lướt Facebook một chút cũng có ảnh hưởng tới ai? Nếu tìm cách ngăn cấm, họ cũng sẽ tìm được những trò tiêu khiển khác mà thôi.

Trên đây là tóm tắt 20 ý chính được trình bày trong cuốn sách. Như bạn thấy, rất nhiều thứ trong này khác biệt với phần đông suy nghĩ của các doanh nghiệp hiện nay. Nhưng chúng lại rất thực tiễn, bằng chứng là việc tác giả đã áp dụng để xây dựng và duy trì một doanh nghiệp khỏe mạnh như Basecamp.